top of page

CÁI TÂM CỦA NGƯỜI VIẾT

Mình từng nghe “làm việc gì cũng phải có tâm”, khi làm bất cứ điều gì thứ nhất phải nghĩ đến chữ "Tâm". Vì tâm ác sẽ làm việc ác, tâm thiện sẽ làm việc thiện, vô tâm sẽ làm việc thờ ơ hoặc ko làm gì cả. "Tận tâm" nghĩa là cố gắng thực hiện công việc vì một điều tốt đẹp, vì một điều gì đó có ý nghĩa.

“Tâm là gì ? Nó nằm ở đâu?” Theo mình tâm là phần gì đó nằm sâu bên trong mỗi người mà nhiều người ta hay gọi là “tòa án lương tâm”. Hình ảnh này đã giúp mình mường tượng ra hẳn một vị thẩm phán bên trong khi viết. Vậy cái tâm của người viết được thể hiện như thế nào?

Liêm chính với độc giả bằng cách thành thật với bản thân.

Nội dung mình thường viết là những gì bản thân đã trải qua, rút ra bài học và chia sẻ lại. Do đó mình thường trải qua cảm giác vừa muốn chia sẻ thành thật nhất nhưng lại sợ người đọc nhìn thấy vết thương của bản thân.

Mỗi khi viết điều gì đó một cách thành thật mình lại đối mặt với cảm giác rủi ro, đáng sợ, khó khăn, sợ hãi, xấu hổ và khó làm nhưng khi đọc lại mình thấy bài viết không chán. Trong quá trình viết mình vẫn chọn ghi ra một cách trung thực. Khi đặt tay lên bàn phím mình tập vừa quan sát tâm, vừa quan sát con chữ. Bất cứ khi nào bài viết không ổn, mình thường tự đọc lại và hỏi bản thân: “ Mình có đang nói sự thật không? Có thứ gì đó mình không định nói và một vài thứ mình sợ nói ra?”

“ Tôi cam kết nói sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì ngoài sự thật?” Mình nghĩ mỗi người viết nên tuyên bố điều này với chính mình như một lời cam kết. Mình tin sự thành thật ở nội dung viết ra sẽ mang đến sự chữa lành cho bản thân và người đọc. Và đó chính là cái tâm của người viết.

Ngoài ra theo mình sự thành thật không chỉ là cách tốt lựa chọn để viết mà còn giúp người viết tồn tại trên chặng đường dài hơn. Dưới đây có một vài câu hỏi mình dùng để hướng nội dung đến sự thành thật:

1. Tôi đang nói điều này có nghĩa là gì?

2. Tôi đang phủ bóng bất cứ điều gì không?

3. Tôi có đang viết những câu trả lời nhẹ nhàng thay thế cho sự trung thực nào không?

4. …

Khi bạn viết trung thực không phải lúc nào cũng giúp độc giả có cảm giác dễ chịu, mà bạn hãy chấp nhận sẽ có lúc độc giả cảm thấy không thỏa mái. Mình tin điều này quan trọng không kém vì đây chính là lúc độc giả bắt đầu suy nghĩ về nội dung bài viết và họ có thể bắt đầu thay đổi nhận thức ở góc độ nào đó từ điều bạn viết ra.

Bạn có biết những ca sĩ có giọng hát hay, họ thường xuyên luyện tập thở từ ruột. Mình nghĩ viết có tâm cũng cần phải luyện viết từ ruột thường xuyên. Vì điều này không chỉ giúp bạn viết tốt mà còn kết nối được giọng viết của bản thân. Mình gọi đây là “viết từ ruột gan”. Và khi viết từ ruột gan chúng ta chắc chắn sẽ thành thật với bản thân và độc giả.

Trong quá trình viết, mình đã làm gì để thu hút được độc giả?

Các công ty muốn kinh doanh thành công ngoài việc phủ rộng thị trường, tăng tệp khách hàng thì một điều quan trọng không kém là họ tập trung chăm sóc khách hàng lý tưởng của mình. Thực tế bạn khó có thể làm hài lòng hết tất cả độc giả. Vì vậy để thu hút độc giả mình chọn :

- Viết trung thực

- Viết cho độc giả lý tưởng, người mà sẽ thu nhặt được những gì mình chia sẻ.

- Ngoài ra mình sử dụng thêm các kĩ thuật bổ trợ như đặt tiêu đề thu hút, sắp xếp nội dung rõ ràng, logic, giảm thiểu lỗi sai cơ bản,..

Đặt cái tâm vào để viết và nói ra sự thật thì không bao giờ dễ chịu đối với người viết lẫn độc giả. Tuy nhiên người viết luôn thu được kết quả của sự thật là ý thức vững chãi về bản thân và có người bạn đồng hành đưa chúng ta từ cuộc sống bây giờ tiến đến cuộc sống tốt hơn. Bởi vì đằng sau ngôn ngữ của bạn, nó phản ánh sự tu dưỡng, kiến thức, phong thái và khuôn mẫu của bạn. Từ đó chúng ta kết nối đến độc giả.

Hani Ngoc

Comments


bottom of page