top of page

LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA SỰ LƯỜI BIẾNG KHI VIẾT?

Viết lách giống như một công việc. Khi không yêu công việc của mình, bạn sẽ không dành thời gian để ngồi xuống và viết. Nếu bạn có đam mê viết, chỉ cần tiếp tục viết. Nhưng làm sao bạn có thể viết liên tục bên cạnh những rào cản khác nhau, điển hình như sự lười biếng?

Sự lười biếng là trạng thái chán nản, không muốn làm một việc nào đó.

Bạn có bao giờ lười trong quá trình viết lách chưa? Mình cho rằng có hai kiểu lường biếng trong viết lách. Một là sự lười biếng xuất phát từ tính cách người viết một cách đúng nghĩa và bạn không muốn làm. Hai là sự lười biếng đó đang được gọi sai tên, tên đúng phải là nỗi sợ hãi và sự bế tắc.

Lúc mới tập viết, bạn đã trải qua nhiều giờ ngồi trước màn hình, đọc hàng tá tài liệu và các trang word được gõ linh tinh nhưng bạn vẫn chưa thể hoàn thành một bài viết. Khi nói chuyện với một ai đó, bạn đã chia sẻ và đánh giá bản thân là mình lười nên không thể viết. Nhưng trên thực tế bạn đã sử dụng rất nhiều thời gian và năng lượng, chỉ là người khác không nhìn thấy. Đúng hơn là người viết thường gặp bế tắc ngay lúc này và đang sử dụng năng lượng để nghi ngờ bản thân, chứ không phải là lười biếng.

Bạn không biết làm thế nào để bắt đầu với những bước đi nhỏ. Thay vào đó, bạn đã nghĩ đến những nhiệm vụ bất khả thi, hoành tráng. Và khi những điều lớn lao này không được hoàn thành hay thậm chí không được bắt đầu, bạn thường gọi sự bế tắc đó là lười biếng.

Sau đó bạn tiếp tục trì hoãn và cũng gọi là sự lười biếng. Với mình điều này đúng hơn là sự sợ hãi. Khi mới bắt đầu viết chúng ta thường rất dễ sợ không đủ giỏi, sợ không hoàn thành, sợ thất bại và sợ thành công, sợ bị bỏ rơi... Và khi chúng ta không xác định đúng thì sẽ tự cho rằng bản thân không siêng năng hay đủ tố chất để viết.

Làm thế nào để vượt qua sự lười biếng trong viết lách? Mình nghĩ mỗi người viết cần xác định đúng nguyên nhân lười biếng của bản thân. Tình trạng số một thì bạn có thể rèn luyện tính cách, thay đổi thói quen cá nhân để áp dụng vào việc viết hay làm bất cứ điều gì trong cuộc sống. Hãy đặt câu hỏi như: “Tại sao tôi cảm thấy không có động lực để viết?” Bằng cách tìm ra lý do tại sao bạn không có động lực, bạn có thể vượt qua sức ì đó và quay trở lại việc viết trên giấy thường xuyên.

Trong trường hợp số hai, một trong những lý do phổ biến nhất khiến bạn không có động lực là do sợ hãi. Nỗi sợ hãi có thể nói với bạn rằng bài viết của bạn sẽ không bao giờ đủ tốt. Bạn có thể:

- Hãy thử bắt đầu bằng cách viết ra lý do tại sao bạn không muốn viết. Bằng cách này, bạn sẽ hướng tâm trí của mình vào việc viết, sớm vượt qua nỗi sợ, cảm thấy có động lực và cảm hứng để viết sớm hơn.

- Động lực luôn đến sau công việc… không bao giờ có trước nó. Vì vậy, nếu bạn muốn cảm thấy có động lực để viết, hãy bắt đầu viết! Động lực sẽ đến cùng.

- Mẹo nhỏ nữa là vẽ nguệch ngoạc, viết những câu vô nghĩa, những ý tưởng không liên quan, ngẫu nhiên, sau đó hướng những từ đó đến những thứ bạn cần viết.

- Chia chủ đề của bạn thành các chủ đề nhỏ hơn để làm chúng. Một bức tường có nhiều viên gạch nhưng chúng phải được lát từng viên một.

- Tập trung vào hiện tại, đặt câu hỏi như: “Điều gì mình có thể làm ngay lúc này” và hãy làm nó. Bạn sẽ thấy 1 câu, 1 đoạn, rồi nhiều đoạn và một bài viết sẽ được hình thành.

Cuối cùng, con người là những sinh vật hay thay đổi. Người viết rất dễ bị phân tâm. Hãy kiên nhẫn với bản thân và từ từ tiếp tục tiến tới việc quay trở lại không gian nơi bạn đang viết, cố gắng bắt kịp với những dòng chữ tuôn ra từ bạn. Gọi đúng tên sự lười biếng và vượt qua bất cứ điều gì ngăn cản bạn viết. Chúng ta sẽ chấp nhận rằng cuộc sống có cản trở và làm bản thân trở nên lười biếng. Nhưng hãy tiếp tục khắc phục và đặt cho mình một mục tiêu, khi bạn hoàn thành nó tự thưởng cho mình một thứ gì đó bạn thích: thức ăn, một giờ xem chương trình yêu thích, bất cứ điều gì. Hãy tận hưởng khoảnh khắc... rồi ngày mai bắt đầu phần tiếp theo nhé.

Hani Ngọc


Comments


bottom of page